logo-maybe-vn
Mở app

Sự chữa lành sau cái chết trong văn chương Yoshimoto Banana

Yoshimoto Banana là một cái tên nổi bật trong văn học đương đại Nhật Bản. Cô thường được nhắc đến cùng “2 Murakami” là Murakami Haruki và Murakami Ryu. Ba nhà văn này được coi là người tiên phong trong việc đổi mới văn học Nhật Bản hiện đại. Nói riêng về Banana, sự đổi mới không chỉ thể hiện ở bút pháp sáng tác, cách xây dựng cốt truyện… mà còn là một hành trình đào sâu vào nội tâm tinh tế của con người, góp nhặt những mảnh vụn cuộc sống, ghép lại thành những bức tranh lấp lánh phản chiếu nhiều suy tư.

Các bạn đã bao giờ nghe về hội chứng Banana (Bananamania) chưa? Hội chứng này xuất phát từ cuốn tiểu thuyết Kitchen (1988) của Yoshimoto Banana. Từ sau khi ra mắt, Kitchen đã tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới và cũng từ tác phẩm này, tên tuổi của Banana bắt đầu tỏa sáng. 

Các sáng tác của Banana đều có một cảm thức nhạy cảm với cái chết và sự kết nối, về những lạc lối và tìm thấy yêu thương theo nhiều cách khác nhau. Đọc văn “cô Chuối”, mình thường cảm nhận được một nỗi buồn man mác - mà mình hay gọi là một nỗi buồn đẹp, bởi nó không bi luỵ hay tuyệt vọng mà ngược lại, kết nối giữa những tâm hồn đồng điệu đã khiến nỗi buồn trở thành một sự thức tỉnh. 

Cái chết xuất hiện nhiều trong những trang viết của Banana: Một người bà đã mất để lại cô cháu gái với căn bếp lạnh lẽo (Kitchen), hay người bố vừa phải làm bố vừa phải làm mẹ, đến khi cận kề dự cảm về cái chết vẫn luôn nghĩ về con trai và chuẩn bị sẵn mọi sự cho cậu (Kitchen); một cậu nhóc cứ mặc mãi chiếc váy đồng phục của người yêu đã mất (Bóng Trăng); hay chàng trai mang nỗi ám ảnh về người mẹ - vì tai nạn ở quá khứ mà trước khi chết cứ luôn bao bọc cậu như một chú chim non (Hồ)... 

Nhưng với Yoshimoto Banana, cái chết không phải sự kết thúc. Đó là một cánh cửa mới mở cho cả người ra đi và người ở lại. Banana khai thác chủ đề rất đa chiều và thường đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật, nên mỗi khi đọc văn của cô, thế giới liên tưởng của mình lại mở rộng thêm với mênh mông nỗi buồn và sự thấm thía. 

Dưới đây là một số tác phẩm của cô mà mình rất thích và muốn chia sẻ tới mọi người. 

Hồ

Đây là cuốn sách mình thích nhất của “cô Chuối”. Cả hai nhân vật trong Hồ đều có những vết thương thầm lặng: Chihiro rời khỏi quê nhà và dần xa cách bố sau cái chết của mẹ, và người còn lại, Nakajima, thì sống cô độc một mình với những ám ảnh từ quá khứ khó nói thành lời, đôi khi còn phải ôm lấy di vật của người mẹ quá cố để đi vào giấc ngủ. Nghe có vẻ bi kịch, nhưng sự kết nối đầy cảm thông và an ủi mà họ dành cho nhau lại khiến mình thấy thật êm dịu và nhẹ nhàng xiết bao.

  Hai người trẻ tuổi nọ vẫn sống cuộc sống cá nhân của mình. Những ám ảnh và suy nghĩ về quá khứ thường không được Banana nhắc đến quá sâu hay quá nhiều, mà chỉ lướt qua như sương trên mặt hồ. Họ trao đổi với nhau về những vết nứt trong tâm hồn một cách chầm chậm, vững vàng và chân thành đến độ mình cứ thấy rung động mãi về sự kì diệu của lòng bao dung. Có thể mỗi người đều đã từng lạc lối, đều có những vết sẹo trong tâm hồn, nhưng đến cuối cùng, bằng sự kết nối và thấu hiểu, họ đã cùng nhau vượt qua.

Có một nhận xét Nakajima dành cho Chihiro mà mình cứ nhớ và xúc động mãi: Ở bên Chihiro không có bạo lực tinh thần, nên cậu cảm thấy rất an toàn và thoải mái. Còn gì tuyệt hơn khi gặp được một người như thế chứ?

Cuốn sách này là một dòng nước ấm áp, dịu êm nhưng cũng không kém phần thú vị. Những người trẻ trong truyện của Banana rất hay gắn liền với những liên kết tâm hồn, trong khi các yếu tố liên quan đến tình yêu thường không được nhắc đến (Chihiro và Nakajima sống cùng nhau nhưng họ không nói về chuyện tình yêu hay tình dục), và cũng chính vì vậy mà sự cảm thông mà họ dành cho nhau càng hiện lên rõ ràng và sâu sắc hơn.

Đánh giá cá nhân: 5/5

Nắp biển

Cuốn tiểu thuyết này mang một nỗi buồn mất mát ngay từ những trang viết đầu tiên. Khi mở sách ra, mình có cảm giác cứ như đang đọc nó trên một bờ biển không người vậy.

Sau khi tốt nghiệp, Mari đã bỏ thành phố về thị trấn biển quê nhà để thực hiện giấc mơ làm chủ tiệm đá bào của mình. Giấc mơ vẫn còn đó, nhưng thị trấn thì đã đổi khác. Dường như những gì còn đọng lại trong kí ức của Mari về vùng đất vốn trù phú và linh thiêng này chỉ còn lại những tàn tích. Mình nghĩ đây là cảm thức mà bất cứ người trẻ nào cũng dễ gặp phải khi quay về quê nhà, đón nhận sự phát triển (hay đổi khác?) mà họ đã đi quá xa để biết được, nên sau khi chứng kiến sự đã rồi, họ dễ cảm thấy hụt hẫng trước những đổi thay.

Mùa hè của những cốc đá bào đầu tiên, Mari gặp Hajime - cô bé có vết sẹo ở khuôn mặt vì bị bỏng, đang phải trải qua nỗi đau mất người bà yêu quý. Một người mang nỗi buồn về sự đổi thay nơi quê nhà, một người mang nỗi buồn mất người thân, đã gặp nhau và tạo nên một mùa hè đáng nhớ.

Mình cứ cảm động mãi không thôi trước sự quan tâm và bao dung mà hai người nọ dành cho nhau. Với Mari, vết sẹo của Hajime chẳng làm em xấu đi chút nào. Vết sẹo là vết sẹo, Hajime là Hajime, không có gì nhiều để bàn cãi. Và Hajime, em sẵn sàng lắng nghe Mari qua những chuyện kể về một thị trấn dường như đã rất xa… Đó là lí do tại sao mình gọi nỗi buồn trong văn chương Banana là nỗi buồn đẹp - bởi hơi ấm giữa người với người vẫn luôn song hành cùng mất mát đau thương.

Tất cả những u sầu, những cảm thức bâng khuâng của hai người trẻ tuổi đều được thiên nhiên trong Nắp Biển bao bọc. Banana tả cảnh rất nhiều: Những rạn san hô, khu rừng, ngôi đền, khách sạn cũ, câu chuyện về con mèo… hiện lên vừa sinh động lại vừa có gì đó rất thiêng liêng, như thể linh hồn của chúng vẫn ở đó dù cho sự vật có đổi thay. Và chính giữa thiên nhiên đẹp đẽ ấy, cả Mari và Hajime đã khép lại vết thương nơi tâm hồn và bắt đầu khởi đầu mới.

Đánh giá cá nhân: 4.5/5

Kitchen

Cuốn Kitchen được chia làm 3 phần là Kitchen I, II và Bóng Trăng (một truyện ngắn riêng biệt). Điều kì diệu và đầy an ủi trong cuốn sách này là, dù mỗi người đều trải qua nỗi đau mất đi người thân thiết nhất với mình, họ đã gặp được người sẻ chia và vực mình dậy. Mình để ý rằng Banana rất chú ý đến kết nối giữa người với người, và chính kết nối ấy là cốt lõi chính để chữa lành một tâm hồn đang tổn thương.

Kitchen không chỉ là một câu chuyện chữa lành của những người trẻ tuổi, mà tự nó đã mở ra một không gian vỗ về những tâm hồn đang lạc lối: Căn bếp. Trong căn bếp vắng bóng bà, Mikage đã chìm vào giấc ngủ với suy nghĩ: “Còn lại tôi với bếp, dẫu sao như thế vẫn còn hơn nghĩ là chỉ có một mình.” Hay trong căn bếp sạch sẽ, sáng bóng nhà Yuichi, tâm hồn Mikage đã được an ủi khi nấu ăn và khi sống cùng nhà Tanabe như một gia đình thực thụ.

Những kết nối giữa người với người trong truyện của Banana không phải một sự sắp đặt cố ý, nó xuất hiện tự nhiên đến nỗi mình thấy cuộc sống này vẫn thật đẹp làm sao, khi ta có thể gặp tâm hồn đồng điệu với mình ở bất kì khoảnh khắc nào trong cuộc đời, chỉ cần ta mở lòng ra đón nhận và bao dung với nhau.

Không biết có phải do văn của cô Chuối vốn đã êm đềm và Kitchen lại rất đời thường hay không, mình thấy quyển này nhẹ nhàng hơn hẳn Hồ (cũng khai thác cuộc sống hàng ngày nhưng có thêm một sự kiện bất ngờ phía sau). Những tình tiết trong Kitchen bình thường đến mức khi đọc xong Kitchen I, mình đã phải tự hỏi vậy là hết rồi sao? Nhưng càng đọc đi đọc lại nhiều lần, mình càng thấy yêu và trân trọng thêm sự can đảm và cảm thông mà các nhân vật dành cho nhau. Và tình cảm gia đình trong cuốn sách này cũng đẹp lắm lắm.

Đánh giá cá nhân: 4/5

Vĩnh biệt Tugumi

Từ tựa đề tác phẩm đã mang một dự cảm về cuộc chia li không ngày gặp lại. Tugumi là một con bé rất khó ưa (và khi mới đọc lần đầu tiên, mình đã chắc chắn đây là người mình khó thích nhất trong những nhân vật vốn mang vẻ nhẹ nhàng của “cô Chuối”). Tuy xinh đẹp, song Tugumi lại ốm yếu và rất trái tính, thậm chí đôi khi còn độc địa. Cái chết tuôn ra từ miệng con bé cứ như một lẽ hiển nhiên, như thể dự cảm về mất mát của Tugumi đã thành một điều có thể chấp nhận - vì những đợt chuyển bệnh viện, những đợt ốm rồi lại ốm… Không một ai thực sự ưa nổi con người vốn ốm yếu mà mồm miệng lại cay độc này, chỉ trừ Maria - với những suy nghĩ bóc tách và tự lý giải hành động của Tugumi - có lẽ con bé muốn được để ý, hay có lẽ con bé sợ bị lãng quên? Hay những hành động ấy là phương thức mà Tugumi dùng để che giấu con người bên trong của mình. Nhưng dù thế thì mình vẫn không thể chấp nhận nổi kế hoạch trả thù của Tugumi, hay những trò đùa quái ác nó gây ra cho mọi người.

Mùa hè trong Vĩnh Biệt Tugumi gắn liền với biển, nhưng lại có phần dữ dội hơn thiên nhiên trong Nắp Biển nhiều (hay bởi vì Tugumi vốn dữ dội như thế?). Có vẻ với Banana, mùa hè luôn thật thích hợp để bắt đầu hay kết thúc một điều gì đó, với Vĩnh Biệt Tugumi cũng không ngoại lệ. Vào mùa hè cuối cùng ấy, những người trẻ trong cuốn sách này đều đã thu lại vào lòng mình chút hành trang cho bước chân trưởng thành tiếp theo. Sự vĩnh biệt vốn nằm ngay đầu tựa sách không chỉ là sự chia ly với Tugumi, mà còn là một lời từ biệt một phần tuổi thơ, một phần kí ức trước ngưỡng cửa trưởng thành.  

Trong bốn tác phẩm kể trên, Vĩnh Biệt Tugumi ít để lại ấn tượng cho mình nhất, hoặc ít nhất sau khi đọc xong mình không nhớ gì nhiều về câu chuyện trong sách, dù mình thực sự phải công nhận Tugumi là một nhân vật khá đặc biệt.

Đánh giá cá nhân: 3/5

Nguyen Nguyen

  • 3053
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1417

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)